5h30 sáng ngày 16/3/1968, đạn pháo rung chuyển khiến Phạm Thành Công, 10 tuổi, bất ngờ tỉnh giấc. Vài giờ sau đó, 3 người lính Mỹ đã xuất hiện trước cửa nhà Công, buộc mẹ và 5 anh chị em cậu phải chui xuống hầm tránh bom.
Một người lính sau đó đã châm lửa đốt căn nhà tranh của gia đình Công, trong khi những người khác ném lựu đạn vào hầm. Được che chở bởi thi thể bị xé toạc của người mẹ và 4 anh chị em, Công là người duy nhất may mắn sống sót.
Theo AP, hồ sơ của quân đội Mỹ, vốn được giữ kín suốt 3 thập niên, đã hé lộ 300 vụ việc khác mà cũng có thể được xem là tội ác chiến tranh. Vụ thảm sát xảy ra ở Mỹ Lai gây chú ý vì số thương vong quá lớn trong một ngày, cùng với đó là những bức ảnh và chi tiết ám ảnh được công bố trong cuộc điều tra cấp cao của Lục quân Mỹ.
Hai ngày trước cuộc thảm sát ở Mỹ Lai, một cái bẫy đã giết chết một trung sĩ, làm mù mắt một binh sĩ, và làm bị thương một số binh sĩ khác của đại đội tuần tra Charlie.
Theo lời khai của các binh sĩ trước ủy ban điều trần của Lục quân Mỹ, cuộc thảm sát được tiến hành nhanh chóng sau khi Trung úy William L. Calley Jr. dẫn đầu trung đội đầu tiên của đại đội Charlie tiến vào Mỹ Lai hôm 16/3. Một người đàn ông lớn tuổi sau đó bị đâm chết bằng lê, một người đàn ông khác bị ném xuống giếng và bị giết bằng một quả lựu đạn cầm tay. Phụ nữ và trẻ nhỏ bị dồn xuống mương và bị sát hại. Nhiều phụ nữ và trẻ em gái bị cưỡng hiếp tập thể. “Họ lao tới với đôi mắt đẫm máu và bắn bất kỳ thứ gì dịch chuyển”, Hugh Thompson Jr., một phi công lái trực thăng yểm trợ nhiệm vụ ở Mỹ Lai, nhớ lại.
Theo AP, 50 năm sau vụ thảm sát và gần 43 năm sau khi Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nỗi hận thù giữa hai quốc gia đã qua đi. Việt Nam và Mỹ đã bình thường hóa quan hệ vào năm 1995, và Mỹ hiện là một trong những đối tác thương mại cũng như nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam. Hợp tác về an ninh cũng tăng cường tới mức hồi đầu tháng này một tàu sân bay của Hải quân Mỹ đã có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc.
Phạm Thành Công, cậu bé từng may mắn sống sót sau vụ thảm sát Mỹ Lai ngày nào, nói rằng ông không thể quên những ký ức đó nhưng sẵn sàng tha thứ cho những binh sĩ Mỹ để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai quốc gia.
“Chúng tôi đã phải chịu đủ mất mát và đau thương từ chiến tranh rồi. Chúng tôi chỉ muốn các con cháu của chúng tôi sẽ không phải trải qua những điều đó. Chúng tôi khao khát hòa bình, chúng tôi muốn hòa bình mãi mãi”, ông Công nói.
Nguồn trích dẫn: DÂN TRÍ & GÀ BÁO THỨC
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống của các Ban đảng Thành ủy và các đoàn...
Hình ảnh Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn thành phố...