Từ việc tìm hiểu, nghiên cứu những bài học lịch sử và khảo nghiệm thực tiễn, Nguyễn Tất Thành thấy rằng mọi cách tiến hành ở trong nước, hay đi ra nước ngoài, sang Trung Quốc, hay Nhật Bản (phong trào Đông Du) đều không đạt kết quả tốt. Ông thấy rằng cần nghiên cứu, tìm tòi một con đường khác, đi ra nước ngoài nhưng theo một hướng khác hơn mấy hướng trên.
Theo Hồ Chí Minh, ông ra đi vì muốn "Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn, đấy là tất cả những điều tôi hiểu". Sau này khi trả lời phỏng vấn, Hồ Chí Minh cho biết:
“ | Vào trạc tuổi mười ba, lần đầu tiên tôi được nghe những từ Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Đối với chúng tôi, người da trắng nào cũng là người Pháp. Người Pháp đã nói thế và từ thuở ấy, tôi muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy | ” |
— Hồ Chí Minh |
Việc Hồ Chí Minh chọn Sài Gòn là nơi để đi nước ngoài sau này được lý giải là do lúc bấy giờ Sài Gòn là cửa ngõ của xứ Nam Kỳ có những công ty tàu biển lớn chạy đường Pháp - Đông Dương rất thuận lợi cho việc sang Pháp. Đây cũng là nơi tự do hơn các xứ khác ở Việt Nam trong việc đi lại, tìm kiếm công ăn việc làm, dễ kiếm cơ hội xuất ngoại. Sài Gòn, nơi ông dừng chân trong thời gian ngắn nhất nhưng lại có vai trò quyết định đối với sự lựa chọn con đường cứu nước do được tiếp xúc với nhiều luồng thông tin đa dạng.
Hành trình của Người:
Tàu Đô đốc Latouche Tréville đã rời bến sông Sài Gòn với 72 thủy thủ trên tàu. Trong chuyến hành trình đó, tàu đi qua các nước như Singapore, Colombo thuộc Sri Lanka, Djibouti, Port Said và Marseille. Đến ngày 15 tháng 7 năm 1911, tàu này đến Le Havre, cảng chính ở miền Bắc nước Pháp và đây là lần đầu tiên Nguyễn Tất Thành đặt chân lên nước Pháp.
Vào tháng 9, Nguyễn Tất Thành đã viết thư đến tổng thống Pháp, xin được nhập học vào Trường Thuộc địa (École Coloniale), trường chuyên đào tạo các nhân viên hành chánh cho chính quyền thực dân, với hy vọng "giúp ích cho Pháp". Thư yêu cầu của ông bị từ chối và được chuyển đến Khâm sứ Trung Kỳ ở Huế.
Nhận định:
Các báo đài Việt Nam cho rằng, cuộc hành trình của Hồ Chí Minh là một bước ngoặt lớn, làm cho chủ nghĩa yêu nước của con người Việt Nam phát triển, mà sau này đã trở thành biểu tượng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, và trong cuộc tái thiết và phát triển đất nước lên xã hội chủ nghĩa.
Ông Lê Thanh Hải cho rằng:
“ | Cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Bác Hồ đã tạo nên những bước ngoặt lớn trong cách mạng Việt Nam, đã làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 | ” |
— Lê Thanh Hải[5] |
Học giả William J. Duiker trong quyển tiểu sử Ho Chi Minh: A Life cho rằng những người ca ngợi Hồ Chí Minh đã làm lớn chuyện vài ba lời nói của Hồ Chí Minh về việc ra đi "tìm đường cứu nước", nhưng với thói quen phóng đại các sự kiện trong đời mình của Hồ Chí Minh, thì phải hoài nghi những lời nói đó. Dù sao đi nữa, Duiker cho rằng khi rời Sài Gòn năm 1911, Hồ Chí Minh chắc chắn đã có đầy lòng yêu nước và biết rõ những hành động bất công của chính quyền thực dân đối với đồng bào mình.
Võ Thị Hoa Hằng
(Sưu tập)
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày truyền thống của các Ban đảng Thành ủy và các đoàn...
Hình ảnh Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư trên địa bàn thành phố...