KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN - PHẬT LỊCH 2562

Thứ hai - 28/05/2018 09:43
 Chẳng biết từ lúc nào mà Phật giáo trong dân gian đã trở thành một phần không thể thiếu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và thấm đẫm tính Việt Nam, đẹp như chính tâm hồn người Việt. Với tư tưởng từ bi bác ái quảng đại, giáo lý uyên bác sâu sắc, Phật giáo không chỉ là điểm tựa tinh thần cho dân tộc mà trong công cuộc dựng nước, giữ nước, Phật giáo cũng góp công sức vô cùng to lớn.
KÍNH MỪNG PHẬT ĐẢN - PHẬT LỊCH 2562

                     

33676556 830477957162339 507639691000938496 n

                       Từ các triều đại phong kiến như Đinh, Lý, Trần... thời đại nào cũng có những nhà sư đồng thời là những nhà văn hóa, chính trị, quân sự, ngoại giao xuất sắc có vai trò trong công cuộc hộ quốc, an dân. Đặc biệt đến thời Trần, Phật giáo được coi là quốc giáo. Phật Hoàng Trần Nhân Tông vừa là vua vừa là phật tử, người đã sáng lập ra thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mà danh tiếng đức độ còn lưu truyền đến tận ngày nay.
 

33734902 830477970495671 529093366177071104 n

                         Đến thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, Phật giáo Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần chống ngoại xâm mạnh mẽ. Các chùa chiềng trở thành cơ sở kháng chiến, cung cấp nơi trú ẩn, liên lạc, cung cấp quân lương phục vụ cách mạng. Nhiều tăng ni, phật tử đã hăng hái lên đường tòng quân đánh giặc, cứu nước. Nói đến lịch sử dân tộc Việt Nam thời kỳ này không thể không nói đến sự đóng góp to lớn của Phật giáo Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo và những tấm gương yêu nước của các vị cao tăng, như: Hòa thượng Thích Tâm Thi (1889 – 1959), Hòa thượng Thích Thanh Lộc (…), Hòa thượng Thích Thanh Chân (1905 – 1989), Hòa thượng Thích Thế Long (1909 – 1985); Hòa thượng Thích Đôn Hậu (1904 – 1992); Hòa thượng Thích Thiện Hào (1911 – 1997); Hòa thượng Thích Tâm Thông (1916 – 1999); Hòa thượng Thích Thuận Đức (1918 – 2000)… các tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam đã tích cực hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, tiêu biểu là sự kiện 11 nhà sư đã phát nguyện “cởi áo cà sa ra trận” tại chùa Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định vào ngày 27/02/1950, và họ đã trở thành những chiến sĩ vệ quốc đoàn kiên trung, có người đã hy sinh thân mình cho Tổ quốc, có người sau khi hoàn thành nghĩa vụ công dân cao cả lại tiếp tục quay trở về tiếp tục cuộc sống tu hành; sự kiện 15 sư tăng thuộc tổ chức bộ đội tăng già thuộc huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) tình nguyện nhập ngũ lên đường bảo vệ Tổ quốc, và trong trận chiến đấu bảo vệ cho chính nghĩa đó, 3 nhà sư đã anh dũng hy sinh. (theo Ban Tôn giáo chính phủ).

                   

33663036 830477980495670 6018257837585596416 n


                  Ở miền Nam những năm 1960, dưới sự đàn áp tàn bạo của ngụy quyền Ngô Đình Diệm, tăng ni Phật tử vẫn không hề suy giảm khí thế cách mạng. Phong trào phản chiến do các hòa thượng đức cao vọng trọng dẫn đầu thu hút được rất nhiều người hưởng ứng, kèm theo đó là phong trào cách mạng của công nhân, học sinh sinh viên khiến cho ngọn lửa cách mạng càng thêm sôi sục. Đỉnh cao là sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu ở ngã tư Lê Văn Duyệt – Phan Đình Phùng (nay là Cách mạng tháng Tám – Nguyễn Đình Chiểu) vào ngày 10/6/1963 để tố cáo chế độ Ngô Đình Diệm, phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ tại Việt Nam.
 

33783344 830477963829005 8473273333096382464 n

                      Khi hòa bình được lập lại, Phật giáo lại tiếp tục đồng hành trên con đường xây dựng đất nước. Không những là chỗ dựa tinh thần vững chãi cho nhân dân mà đạo Phật còn có những hành động thiết thực để xây dựng đất nước. Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam luôn kiên định đường hướng hoạt động “Đạo pháp – Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”. Một người Phật tử tốt trước hết là người công dân tốt thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với tổ quốc và xã hội. Nhiều vị hòa thượng còn trở thành đại biểu quốc hội được nhân dân nể trọng góp phần to lớn xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều hoạt động của tăng ni phật tử vừa tốt đời vừa đẹp đạo thể hiện đúng truyền thống Việt Nam. Hàng năm, các buổi lễ cầu siêu cho anh linh các anh hùng liệt sĩ đều được tổ chức trang trọng trong các ngôi chùa lớn trên khắp cả nước, các hoạt động từ thiện, đền ơn đáp nghĩa đều được tăng ni phật tử tiến hành thường xuyên liên tục xứng đáng với triết lý từ bi bác ái cao cả vốn có của mình.

                        Theo thống kê dân số năm 2009, Việt Nam có khoảng 6.802.318 tín đồ hiện nay chắc chắn đã tăng. Tuy nhiên, những người không theo đạo nhưng có tư tưởng hướng Phật, vị pháp cũng rất nhiều, điều đó chứng tỏ đạo Phật đã và đang đóng vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng dân tộc. Với truyền thống tốt đẹp đó, trong mùa Phật đản, kính chúc chư tăng ni phật tử trong và ngoài nước nhiều sức khỏe, an lạc trong chánh pháp góp phần xây dựng xã hội phồn vinh, quốc gia giàu mạnh.

                                              Võ Thị Hoa Hằng
                                                    (Sưu tập)

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hình ảnh hoạt động
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây