UỶ BAN MTTQ VIỆT NAM
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Số 23 /BC-UBMT
Đông Hà, ngày 05 tháng 7 năm 2018
BÁO CÁO
Sơ kết 03 năm thực hiện Cuộc vận động
“Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”
giai đoạn 2015 – 2018.
-----------
Thực hiện Hướng dẫn số 71/HD-MTTQ-BTT, ngày 19/3/2018 của Ban Thường trực Uỷ Ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị; Chương trình công tác của UBMTTQVN thành phố năm 2018, nhằm đánh giá kết quả 3 năm triển khai thực hiện và tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Ban Thường trực UBMT thành phố đánh giá sơ kết 03 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2015 – 2018 cụ thể như sau:
I. ĐẶC ĐIỂM, TÌNH HÌNH VÀ CÔNG TÁC TRIỂN KHAI CVĐ.
1. Đặc điểm tình hình.
Thành phố Đông Hà gồm 9 phường, 83 khu phố; với trên 94.530 nhân khẩu; hơn 200 cơ quan, đơn vị Trung ương, tỉnh và thành phố đóng trên địa bàn. Thành phần dân số đa dạng, nhiều ngành nghề khác nhau: giai cấp công nhân và viên chức, lao động toàn thành phố chiếm 27,7% dân số; trí thức chiếm 7,6% dân số; thanh niên chiếm trên 20% dân số và 60% lực lượng lao động thành phố; phụ nữ trên 50% dân số; đồng bào các tôn giáo chiếm 12,1% dân số; lực lượng Doanh nhân 1.330 doanh nghiệp vừa - nhỏ, đây là lực lượng năng động, không ngừng đầu tư quy mô sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo thêm nhiều việc làm cho xã hội và có vai trò ngày càng quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố
2. Công tác triển khai chỉ đạo thực hiện cuộc vận động.
Ban Thường trực UBMT thành phố đã làm tốt công tác hướng dẫn chỉ đạo, điều hành, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, gắn phong trào xây dựng nếp sống văn hoá văn minh đô thị. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và tinh thần chỉ đạo hướng dẫn của Ban Thường trực UBMT tỉnh Quảng Trị; việc tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 1869/CT/TTg; Thông tri số 17/TTr-MTTW-BTT và Thông tri số: 10/TTr-MTTW-BTT, ngày 08 tháng 7 năm 2016 về việc thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư ngày 15/12/2016 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Nghị quyết liên tịch số 88/NQLT/CP-ĐCTUBTWMTTQVN ngày 7/12/2016 giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTW MTTQVN về “Phối hợp thực hiện giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Thông tư số 10/TT-MTTW-BTT ngày 8/7/2016 của Ban Thường trực UBTW MTTQVN “Hướng dẫn thực hiện cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chỉ thị số 12/CT-TU ngày 02/5/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh". Thường trực UBMT đã tham đã ban hành Nghị quyết số 365/NQ-UBMT, ngày 01 tháng 8 năm 2016 về việc thông qua Đề án tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, kèm theo Đề án số: 343 /ĐA-UBMT-BTT, để Tổ chức thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016-2020. Chương trình số: 14 /CT- UBMT – BTT ngày 14 /7/2017 về việc hiệp thương ký kết thống nhất thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2017- 2020 với các tổ chức thành viên. Kế hoạch số 02/KH-MT ngày 09/01/2018 về tổ chức phong trào thi đua “Đoàn kết sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, hội nhập Quốc tế”; Kế hoạch số 11/KH-BTT ngày 21/5/2018 về việc thực hiện Đề án "Vận động toàn dân tham gia phòng, ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; cảm hóa, giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư" đến năm 2020. Hàng năm đều có kế hoạch tổ chức thực hiện cuộc vận động gắn với các chủ đề của thành phố.
Căn cứ vào các văn bản chỉ đạo của MTTQVN các cấp, kết luận của Thành uỷ và kết quả thực hiện cuộc vận động của các địa phương; Ban Thường trực Mặt trận thành phố đã chủ động xây dựng các văn bản hướng dẫn Mặt trận các phường tiếp tục nâng cao chất lượng thực hiện cuộc vận động. Đồng thời tham mưu với cấp uỷ về công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện cuộc vận động. Tiến hành xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện cuộc vận động tới Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ làm công tác Mặt trận cấp phường và khu dân cư về tiêu chí và quy trình xét công nhận khu dân cư tiên tiến, đồng thời tiến hành lập hồ sơ các khu dân cư tiên tiến đủ điều kiện để đăng ký xây dựng gia đình văn hoá, khu dân cư văn hoá…
Những năm qua, Mặt trận cơ sở đã cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể trực tiếp tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao nhận thức và thực hiện thắng lợi các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các phong trào, các cuộc vận động của Mặt trận, đoàn thể các cấp, động viên các tầng lớp nhân dân đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, khắc phục khó khăn đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tham gia thực hiện có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, xây dựng nếp sống đô thị văn minh ..., đã khơi dậy tiềm năng và sức mạnh nội lực của nhân dân, tham gia xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CUỘC VẬN ĐỘNG.
1. Đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng đô thị văn minh.
Mặt trận thành phố đã tích cực chỉ đạo hương dẫn UBMT phường và phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban ngành, đoàn thể; tập trung tuyên truyền vận động nhân dân phát huy truyền thống, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần đoàn kết, giúp nhau khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động, mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thay đổi ngành nghề, nhằm sản xuất có lãi và đạt hiệu quả kinh tế cao; giúp nhau về giống, vốn, kinh nghiệm làm ăn, nhận đỡ đầu hộ nghèo, hỗ trợ sinh kế... góp phần tích cực vào chương trình giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân. Nổi bật trong việc hỗ trợ sinh kế là: Phường Đông Lễ, Phường Đông Thanh.
Mặt trận cơ sở luôn tập trung và thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động ủng hộ quỹ "Vì người nghèo” bằng nhiều hình thức để vận động các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân tham gia ủng quỹ “Vì người nghèo”. Nhằm tạo nguồn lực hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết, hỗ trợ giống vốn phát triển sản xuất, hỗ trợ người hoạn nạn, khó khăn, hỗ trợ cho con em hộ người nghèo có điều kiện đến trường… Kết quả huy động năm sau cao hơn năm trước. Thực hiện mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo: Năm 2015, đến 2018 quỹ "Vì người nghèo" thành phố đã huy động được trên bốn tỉ (4.800.000.000đ) và hàng trăm ngày công, vật tư, vật liệu... hỗ trợ xây dựng gần 100 nhà nhà đại đoàn kết, nhà tình thương, tình nghĩa với số tiền: 2.542.500.000đ; hỗ trợ sửa chữa: 38 nhà với số tiền: 263.000.000đ, hỗ trợ khám chữa bệnh: 209 trường hợp với số tiền: 63.500.000đ; hỗ trợ học sinh nghèo: 340 em với số tiền 91.465.240đ; hỗ trợ khó khăn 1.394 trường hợp với số tiền 516.850.000đ, hỗ trợ khác 1.536 trường hợp với số tiền 527.008.000đ; hỗ trợ khó khăn 72 hộ tiểu thương bị ảnh hưởng do Fomosa gây ra với số tiền 72.000.000đ. Giải ngân kịp thời các nguồn kinh phí hỗ trợ của cấp trên và các đơn vị hỗ trợ; đã góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo của thành phố.
Hiện nay, thành phố không còn hộ đói; Hộ nghèo hàng năm giảm nhanh, còn 0,5% (năm 2018).
2. Cuộc vận động đã tạo sự chuyển biến quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú ở khu dân cư, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, chăm lo sự nghiệp giáo dục, chăm sóc sức khỏe, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình.
Cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các phường đã đẩy mạnh công tác xã hội hóa đưa phong trào văn hóa ở cơ sở ngày càng phát triển. Các lĩnh vực y tế, giáo dục, thể dục thể thao.... được thường xuyên quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng. Tỷ lệ học sinh khá giỏi, đỗ đại học, cao đẳng năm sau cao hơn năm trước. Toàn thành phố có 18.060/19.911 gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, đạt 90,7%. 77/83 khu phố được công nhận khu phố văn hóa, đạt 92,7%. 6/9 phường có thiết chế văn hóa, 73/83 khu phố có nhà văn hóa. 964 gia đình điển hình văn hóa. 35 dòng họ tiêu biểu trong phong trào khuyến học với hơn 6.500 mô hình gia đình hiếu học được nhân rộng ở khu dân cư.
Nhiều khu dân cư đã có những cách làm, những mô hình hoạt động hiệu quả vận động nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị 27 của Bộ chính trị về tổ chức việc cưới, tang, lễ hội, nhất là Chỉ thị 16 của Thành ủy và Quyết định số: 1023 của UBND thành phố về Ban hành quy chế mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn gắn với cuộc vận động "Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, trẻ em chăm ngoan"; xây dựng mô hình Dòng họ khuyến học, Dòng họ không có người vi phạm pháp luật, khu dân cư không có ma túy; có 09 dòng họ thực hiện không có người vi phạm pháp luật... Điển hình như: phường 2, phường Đông Thanh.
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho nhân dân, công tác phòng chống dịch bệnh và thực hiện các chương trình y tế quốc gia được chú trọng và đạt nhiều kết quả. Xã hội hóa y tế được đẩy mạnh, phát triển nhiều cơ sở y tế tư nhân, đa dạng hóa các loại hình chăm sóc sức khỏe, góp phần đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân. Các đối tượng chính sách, chính sách cho người nghèo, trẻ em được quan tâm. Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống dưới 8,5%. Chương trình DS KHHGĐ được triển khai sâu rộng trong các khu dân cư và có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ suất sinh hàng năm giảm 0,3%o. Tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên hàng năm giảm 0,3%.
Hàng năm, vào ngày hội đại đoàn kết toàn dân 18/11, Ban công tác Mặt trận chủ trì phối hợp tổ chức tốt ngày Hội và tổ chức đăng ký, hướng dẫn để hộ gia đình nắm được các tiêu chí để đăng ký danh hiệu "Gia đình văn hóa" và "Khu dân cư văn hóa"; đồng thời, thường xuyên phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân phát huy những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế, thiếu sót, để các danh hiệu văn hóa được công nhận đảm bảo đúng thực chất, phát huy hiệu quả của Cuộc vận động. Có 100% khu dân cư tổ chức Ngày Hội, đã thu hút được đông đảo bà con đến dự và đã biểu dương những điển hình xuất sắc, những hộ nghèo tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Thông qua ngày Hội, cán bộ Mặt trận gần dân, sát dân, gắn với cuộc sống của nhân dân, là cầu nối mật thiết giữa Đảng với nhân dân được nâng lên.
3. Đoàn kết xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp.
Ý thức được công tác bảo vệ môi trường, cảnh quan đô thị là nhiệm vụ thường xuyên được chú trọng trong việc xây dựng môi trường cảnh quan xanh sạch đẹp. Mặt trận các cấp trong thành phố chủ động phối hợp với ngành văn hoá-thông tin, tham mưu cho chính quyền các cấp xây dựng kế hoạch, triển khai và cụ thể hoá chương trình phối hợp thống nhất hành động của MTTQVN các cấp nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 01 của Thành ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải phóng mặt bằng và quản lý trật tự đô thị" và thực hiện tốt chủ đề hoạt động hàng năm của thành phố như "Năm xây dựng hạ tầng và quản lý trật tự đô thị"; năm "Xây dựng văn minh đô thị"... Nhiều phong trào đã huy động công sức từ mỗi một gia đình đến cộng đồng dân cư tham gia. Điển hình là Chương trình "Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường". Hội thi “Mặt trận với công tác bảo vệ môi trường” tổ chức ở cơ sở để tuyên truyền vận động mọi người cùng tham gia bảo vệ môi trường. Các tổ chức thành viên đăng ký đảm nhận các tuyến đường tự quản, tuyến đường văn minh như: Đoàn thanh niên với phong trào “Ngày thứ 7 tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”; Hội CCB với tuyến đường xanh, sạch, đẹp; Hội phụ nữ với mô hình “5 không 3 sạch”... duy trì việc thực hiện mô hình "Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường". Đến nay có 83/83 khu dân cư phát động xây dựng và ký kết thực hiện. Các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường được đưa vào quy ước xây dựng khu phố văn hóa.
Việc đoàn kết xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp, đã nâng cao nhận thức của đại đa số người dân về tinh thần đoàn kết, văn hóa, văn minh đô thị, đồng thời mỗi một người dân đã nhận thức được sự tác động của môi trường đối với con người. Từ đó việc chấp hành kỷ cương, pháp luật, quy định về nếp sống văn minh đô thị được thực hiện tốt, như: Ý thức bảo vệ cảnh quan đô thị của người dân dần dần được nâng cao; tình trạng vi phạm lấn chiếm lòng lề đường kinh doanh buôn bán có nhiều chuyển biến rõ rệt; tình trạng chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường thành thị giảm; ý thức trồng và bảo vệ cây xanh, không đổ rác thải sai quy định, duy trì các hoạt động giữ vệ sinh làm sạch, đẹp khang trang phố phường, mỹ quan đô thị. Tỉ lệ thu gom rác thải đạt 91%; người dân được cấp nước sạch đạt 99%. Có 70% cơ sở sản xuất kinh doanh có phát sinh chất thải được đăng ký và cam kết bảo vệ môi trường; 78/83 khu dân cư đảm bảo vệ sinh môi trường. hơn 190 tuyến đường xanh-sạch-đẹp được các tổ chức, đơn vị đảm nhận quản lý. Chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom xử lý đạt 95%. Thực hiện tốt phong trào "Ngày chủ nhật xanh" hàng tuần.
4. Đoàn kết phát huy dân chủ, tuyên truyền nhân dân chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh.
UBMT phối hợp với các tổ chức thành viên bám sát nhiệm vụ chính trị, cụ thể hoá các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình hành động của BCH Đảng bộ Thành phố, Nghị quyết HĐND, UBND thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch phối hợp tuyên truyền, vận động từng người, từng nhà làm cho người dân hiểu biết ý nghĩa, mục đích, nội dung các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhận rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong việc thực hiện, đóng góp xây dựng quê hương đất nước.
Hoạt động giám sát của Mặt trận góp phần tích cực xây dựng các cơ sở Đảng, chính quyền, cơ quan trong sạch, vững mạnh tạo nên mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền với người dân ngày càng gắn bó và có trách nhiệm hơn. Trong các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Tổ chức các hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật:, Luật Đất đai sửa đổi, luật Mặt trận, Hiến pháp...; Tham gia các buổi họp kiểm điểm theo tinh thần NQ TW4, tổ chức lấy ý kiến phản biện các Đề án của thành phố... và đặc biệt là đã xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai Quyết định 217, 218 về “Quy định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Phối hợp với Thường trực HĐND và UBND cùng cấp chuẩn bị nội dung cho các kỳ họp Hội đồng nhân dân, tổ chức tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp theo quy định của Pháp luật. Coi trọng việc đổi mới, nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri theo hướng mở rộng thành phần, đối tượng, số lượng cử tri tiếp xúc; giám sát, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết các vấn đề kiến nghị của cử tri.
Phối hợp với các tổ chức thành viên và Công an thành phố tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, hội viên và nhân dân về hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường các biện pháp xây dựng phong trào BVANTQ, khu dân cư an toàn làm chủ về an ninh trật tự. Phối hợp thực hiện tốt việc tuyên truyền công tác tuyển quân, xây dựng lực lượng, xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện, cụm tuyến an toàn làm chủ - sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện tốt Chỉ thị 12-CT/TU của Thành uỷ về xây dựng khu phố không có tội phạm và tệ nạn xã hội. Nhiều khu dân cư tham gia tốt các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, giáo dục cảm hóa người vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư, như: “CLB phòng chống ma tuý, tội phạm”; “Hòm thư tố giác tội phạm”; “Tổ hoà giải”. Xây dựng 09 dòng họ “Không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” được Bộ công an nhân rộng ra toàn quốc. Đã có trên 6.753 nguồn tin về tội phạm và tệ nạn xã hội do nhân dân cung cấp cho lực lượng. Quản lý, giáo dục 1.322 lượt người lầm lỗi tại cộng đồng, trong đó đã có 766 đối tượng tiến bộ, giúp họ tái hoà nhập cộng đồng. 83 khu dân cư và 18.260 hộ gia đình ký cam kết đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Phối hợp với CA- Ban trị sự Phật giáo thành phố tổ chức lễ phát động “Phật giáo Đông Hà tham gia phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ và xây dựng văn minh đô thị” Thực hiện ký cam kết với 16 ban hộ tự, các niệm phật đường và đại diện 200 hộ gia đình Phật tử trên địa bàn.
Từ năm 2015 đến na,y thông qua 09 Ban Thanh tra nhân dân, 83 tổ hoà giải với 106 thành viên đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức thành viên, giải quyết 722 vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến, đất đai, địa giới hành chính, hạn chế sự nảy sinh và khiếu kiện vượt cấp. Trong đó có 580 vụ thành công chiếm 80,6% tổng số vụ.
5. Đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa", "Tương thân, tương ái".
Đây là việc làm thường xuyên, liên tục từ trước đến nay, thể hiện sự phối hợp đồng bộ giữa Đảng, chính quyền, đoàn thể và các khu dân cư, đã tập trung vận động cán bộ, nhân viên, nhân dân, các tổ chức, cá nhân, trong và ngoài thành phố tích cực đóng góp xây dựng quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", quỹ "Vì người nghèo" và đã trở thành phong trào của toàn dân. Từ năm 2015 đến 2018 quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đã huy động được trên 3,5 tỷ đồng.
Hàng năm Mặt trận các cấp từ thành phố đến khu dân cư cùng với các hội, đoàn thể vận động hàng trăm ngày công lao động chăm sóc, tu sửa, vệ sinh làm sạch đẹp các nghĩa trang Liệt sĩ, các nhà bia tưởng niệm. Các gia đình thuộc diện chính sách, người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi, người bị gặp phải hoạn nạn khó khăn thường xuyên được Mặt trận quan tâm giúp đỡ bằng nhiều hình thức. như thăm hỏi, tặng quà trong dịp lễ, tết, đóng góp ngày công lao động, vật chất giúp các gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn. Từ năm 2015 đến 2018: đã thăm hỏi tặng quà với 4.152 trường hợp với số tiền 1.880.835.000đ, huy động hơn 1.262 ngày công. Nhân kỷ niệm ngày Thương binh liệt sỷ 27/7 hàng năm đã hỗ trợ xây 02 nhà tình nghĩa cho đối tượng chính sách là con của Liệt sỷ với số tiền: 85.000.000đ
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1.Ưu điểm:
UBMT thành phố đã có công văn hướng dẫn cụ thể trong việc phối hợp chặt chẽ với Chính quyền, các tổ chức thành viên chủ động lồng ghép làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thực hiện nội dung cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” từ phường đến Khu phố .
Cùng với sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ đảng, sự phối hợp của chính quyền; Ban chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, Phòng Văn hoá Thông tin thành phố; sự quyết tâm, nhiệt tình tham gia của các đoàn thể và sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân nên cuộc vận động đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của mọi lực lượng trong toàn xã hội và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; tác động trực tiếp tới nhận thức, tư tưởng và tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội và cá nhân trong phong trào.
Bằng nhiều hình thức và nội dung phong phú, cuộc vận động làm sống dậy truyền thống và bản sắc văn hoá của địa phương, chọn lọc để hình thành những hoạt động văn hoá, lễ hội vừa tiến bộ, văn minh. Cuộc vận động đã lồng ghép nội dung các phong trào thi đua yêu nước với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, nhiều mô hình khác nhau phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, của từng khu dân cư. Nhiều khu dân cư đã biết khai thác, phát huy tinh thần trách nhiệm của cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động mọi người cùng thực hiện.
Thực tiễn chứng minh, ở các khu phố đã phát động xây dựng đời sống văn hoá và tổ chức triển khai thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh đô thị đều có những chuyển biến tích cực và đổi thay mạnh mẽ về kinh tế, an sinh xã hội. Nhân dân có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau; tình làng, nghĩa phố được củng cố và phát triển; ANTT được đảm bảo; các tệ nạn xã hội và tội phạm hình sự giảm; người dân có ý thức trong xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá; nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang và được xoá bỏ.
Cuộc vận động này đã động viên các tầng lớp nhân dân phấn đấu góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội ngay từ ở cơ sở, góp phần giải quyết những vấn đề bức xúc và những yêu cầu thiết yếu nhất của cộng đồng khu dân cư; khơi dậy truyền thống đoàn kết, tạo nên sức mạnh nội lực ngay trong mỗi người dân, mỗi gia đình, mỗi cộng đồng dân cư và lan tỏa rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, góp phần tích cực vào việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.
2. Hạn chế:
Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” trên địa bàn thành phố Đông Hà, những năm qua đã góp phần, tạo nên diện mạo mới của đời sống vật chất cũng như tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế nhất định:
- Công tác tuyên truyền, triển khai ở một số địa phương chưa được thường xuyên; chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, nội dung, vai trò và tác dụng của cuộc vận động. Sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động giữa các cấp các ngành chưa đồng bộ, đôi lúc còn chồng chéo, hiệu quả chưa cao.
- Một số văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên một số điểm còn nhiều điểm chưa phù hợp trong việc áp dụng triển khai thực hiện làm cho cơ sở bị động, lúng túng như các tiêu chí, chỉ tiêu cho việc xây dựng đô thị văn minh đến nay vẫn không có.
- UBMT một số phường trên cơ sở bám sát chỉ đạo của cấp trên, chưa chủ động tham mưu, phối hợp và XD kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện cuộc vận động. Chưa chú trọng tổ chức sơ kết, tổng kết cuộc vận động để rút kinh nghiệm trong phối hợp triển khai thực hiện do điều kiện kinh phí tổ chức thực hiện còn khó khăn.
- Ý thức bảo vệ môi trường, thu gom rác thải; thực hiện các quy định xây dựng nếp sống văn minh đô thị về đám tang, đám cưới đại đa số nhân dân chấp hành tốt, một số gia đình thực hiện cán bộ, đảng viên các cấp trên địa bàn chưa nghiêm túc thực hiện. Các tệ nạn xã hội vẫn còn tiềm ẩn phức tạp như: số đề, cá độ bóng đá, ma tuý, trộm cắp ngày càng gia tăng… chưa được ngăn chặn triệt để.
IV. MỘT SỐ KINH NGHIỆM TRONG QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CVĐ:
Từ thực tiễn triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh” trên địa bàn thành phố có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:
Một là: Cuộc vận động đã đi vào cuộc sống và đạt được kết quả, trước hết là nội dung của CVĐ phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân nên ngay từ khi phát động đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp uỷ Đảng, quan tâm tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ của các cấp chính quyền, ban ngành, đoàn thể, sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân thì phong trào phát triển mạnh.
Hai là: Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, phát huy nội lực của mỗi người dân, mỗi gia đình, trong dòng họ và cộng đồng dân cư, nêu cao vai trò tự quản, tích cực, sáng tạo của nhân dân; Phát động phong trào, xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu phấn đẩu phải phù hợp với tình hình thực tế ở khu dân cư, ở từng địa bàn, phải bắt đầu từ những nội dung thiết thực, bức xúc nhất ở khu dân cư.
Ba là: Thường xuyên xây dựng và củng cố mối quan hệ phối hợp đồng bộ giữa chính quyền, Mặt trận, đoàn thể với các ngành, các cấp. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu để duy trì, phát triển cuộc vận động. Thực tế cho thấy, nơi nào có sự phối hợp tốt thì nơi đó, phong trào phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, được đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia.
Bốn là: Cán bộ Mặt trận phường và Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư năng động, sáng tạo, tâm huyết, nhiệt tình, trách nhiệm cao thu hút được đông đảo nhân dân tham gia, làm cho cuộc vận động ngày càng tạo đồng thuận trong xã hội. Thông qua cuộc vận động, cán bộ Mặt trận gần dân, sát dân, gắn với cuộc sống của nhân dân, là cầu nối mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Năm là: Phải có cơ chế thực hiện phù hợp, đồng bộ từ khâu điều hành, phối hợp đến việc tổ chức, triển khai thực hiện CVĐ, phải coi trọng chất lượng khu dân cư văn hoá, áp dụng và nhân rộng các mô hình tốt, đánh giá đúng chất lượng phong trào và đề ra mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu phù hợp, đồng thời làm tốt công tác thi đua khen thưởng sẽ góp phần thúc đẩy cuộc vận động phát triển đồng bộ, khuyến khích kịp thời, đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu và phát triển bền vững.
V. PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NHỮNG NĂM TIẾP THEO:
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả NQ ĐH UBMTTQVN các cấp nhiệm kỳ 2014 - 2019 và chương trình phối hợp thống nhất hành động 2018. Nhằm đẩy mạnh công tác thực hiện đề án 343 “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” , đồng thời bám sát các chỉ tiêu phát triển KTXH - ANQP của thành phố đề ra, BTT UBMTTQVN các cấp thành phố cần tập trung vào các nội dung trọng tâm sau:
1. Tiếp tục nâng cao vai trò tham mưu của MT đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền, các đoàn thể, tạo sự đồng bộ trong hệ thống chính trị từ thành phố đến KDC, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, tập trung thực hiện có hiệu quả nội dung các cuộc vận động, trọng tâm là 5 nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, nâng cao chất lượng cuộc vận động, đảm bảo mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Các hoạt động truyền thông được phổ biến và cam kết từ gia đình, khu phố… Nhằm thực hiện nghiêm túc nội quy, quy ước, gắn kết chặt chẽ các cuộc vận động để đảm bảo sự phát triển bền vững và làm tốt nghĩa vụ của công dân thực hiện chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước và đoàn thể; Thực hiện có hiệu quả Nghị Quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020. Xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, hệ thống chính trị vững mạnh.
2. Tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích, nội dung của cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhằm nâng cao nhận thức trong cán bộ và các tầng lớp nhân dân và hệ, nhất là hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên.
3. Tiếp tục nâng cao chất lượng và thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động có tính trọng tâm như phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo , phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với việc thực hiện mô hình khu phố, dòng họ không có tội phạm và tệ nạn xã hội và các phong trào đã được phát động nhằm tiếp tục xây dựng nhân rộng trong từng địa bàn khu dân cư đảm bảo giàu về kinh tế, ổn định về ANCT, đẹp về văn hoá, phấn đấu hàng năm có 3-5 khu phố đạt danh hiệu điển hình tiên tiến các cấp, phường đạt đơn vị văn minh đô thị và 50% tuyến phố đạt văn hóa.
4. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Vì người nghèo”, phấn đấu hàng năm đều đạt và v ượt chỉ tiêu vận động quỹ vì người nghèo để có điều kiện xây dựng nhà đại đoàn kết và hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn khi gặp rủi ro, đau ốm, tai nạn…..
5. Tích cực vận động nhân dân thực hiện tốt Chỉ thị 27/CT-TW của Bộ chính trị về cưới, tang, lễ hội gắn với NQ12 của Thành uỷ Đông Hà về thực hiện nếp sống văn minh đô thị, chỉ thị 16 của Thành uỷ về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới. Xây dựng, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, lịch sử, bảo tồn các nghi thức truyền thống, để thắt chặt quan hệ họ tộc, làng xóm, phố phường. Họ tộc có trách nhiệm trong việc phát triển những nét văn hóa truyền thống và giáo dục con em trong dòng họ, duy trì bản sắc văn hóa tốt đẹp ấy, làm tốt vai trò công dân.
6. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Mặt trận, BCĐ, BĐH từ phường đến các ban công tác Mặt trận khu phố, tăng cường công tác phối kết hợp với chính quyền và các tổ chức thành viên nhằm tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị, tiếp tục động viên nhân dân đoàn kết thực hiện hoàn thành các mục tiêu KT-XH của địa phương.
7. Tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận, làm tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển KT-XH, thi đua lao động sản xuất, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, thực hiện có hiệu quả chủ đề năm đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng, quản lý quy hạch, chỉnh trang đô thị; xây dựng gia đình văn hoá, khu phố văn hoá; xây dựng phường đạt chuẩn phường văn minh, nâng cao ý thức của người dân về chấp hành pháp Luật làm cho mục tiêu “dân giàu nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh” sớm trở thành hiện thực theo tinh thần cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”do UBTWMTTQVN đã phát động.
Trên đây là báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đông Hà.
TM/ UBMTTQVN THÀNH PHỐ
Nơi nhận: CHỦ TỊCH
- TT UBMT tỉnh;
- Ban PT UBMT tỉnh;
- TV Thành uỷ; (Đã ký)
- Ban Dân vận Thành ủy;
- UBND T.phố;
- UBMT 09 phường;
- Lưu VP .
Nguyễn Thị Thanh Hương