HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT THỰC HIỆN NQ 42 CỦA CP

Thứ hai - 11/05/2020 17:16
HƯỚNG DẪN GIÁM SÁT THỰC HIỆN NQ 42 CỦA CP
ỦY BAN MTTQ VIỆT NAM                            CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
THÀNH PHỐ ĐÔNG HÀ                                         Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
BAN THƯỜNG TRỰC
Số 02/HD-MTTQ-BTT                                                            Đông Hà, ngày 06 tháng 5 năm 2020


                                             HƯỚNG DẪN

Giám sát việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn
do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Đông Hà
- Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015;
- Căn cứ Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-
ĐCTUBTWMTTQ Việt Nam, ngày 15/6/2017 giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Căn cứ Quyết định số 217/QĐ-TW, ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị khóa
XI về ban hành quy chế giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các
đoàn thể chính trị - xã hội;
- Căn cứ Nghị quyết 42-NQ/CP, ngày 09/4/2020 của Chính phủ về các biện
pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và Quyết định số
15/2020/QĐ-TTg, ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực
hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;
- Căn cứ Hướng dẫn số 14/HD-MTTQ-BTT, ngày 05/5/2020 của Ban Thường
trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị về giám sát việc thực hiện các chính
sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19;
- Căn cứ Kế hoạch số 774/KH-UBND, ngày 06/5/2020 của Ủy ban nhân dân
thành phố Đông Hà về thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do
đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Đông Hà;
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố hướng dẫn giám sát
việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19
trên địa bàn thành phố, như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên
của Mặt trận trong giám sát, nhằm kịp thời đưa chủ trương của Đảng, chính sách,
giải pháp của Nhà nước, đặc biệt là thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân gặp
khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 tại Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày
09/4/2020 của Chính phủ đảm bảo thực hiện hiệu quả, đúng đối tượng, công bằng,
chính xác và kịp thời, góp phần an sinh xã hội; đồng thời phát hiện và ngăn chặn
các hành vi trục lợi, vi phạm trong thực hiện chính sách.
2. Yêu cầu
- Thực hiện công tác giám sát đi đôi với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về
chính sách hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình bị ảnh hưởng Covid-19 theo Nghị
quyết 42-NQ/CP của Chính phủ. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng
của nhân dân phản ánh với cấp ủy, chính quyền.
- Phát huy vai trò giám sát trực tiếp của người dân ở địa bàn khu dân cư; nêu
cao trách nhiệm của Ban công tác Mặt trận, phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ
quốc với các tổ chức thành viên để triển khai hiệu quả công tác giám sát.
- Công tác giám sát của Mặt trận và các tổ chức thành viên phải bảo đảm tính
khách quan, công tâm, trách nhiệm; đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, không công
khai minh bạch và các biểu hiện lợi dụng, trục lợi chính sách.
II. NỘI DUNG GIÁM SÁT
1. Giám sát việc hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao
động hoặc nghỉ việc không hưởng lương
- Nội dung giám sát: Giám sát việc lập danh sách người lao động tạm hoãn
thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong thời hạn của hợp
đồng lao động, từ 01 tháng liên tục trở lên tính từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày
30/6/2020 và thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc
không hưởng lương từ ngày 01/4/2020 đến ngày 01/6/2020; đang tham gia bảo
hiểm xã hội bắt buộc và giám sát việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng.
- Hồ sơ giám sát gồm: Bảng tổng hợp danh sách người lao động tạm hoãn
thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương do người sử dụng
lao động lập theo mẫu, có xác nhận của tổ chức công đoàn cơ sở (nếu có) và cơ
quan bảo hiểm xã hội xác nhận.
- Trách nhiệm giám sát: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội thành phố, nòng cốt là Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp Phòng Lao
động, Thương binh và Xã hội thành phố giám sát.
2. Giám sát việc hỗ trợ hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100
triệu/năm (được xác định tại thời điểm ngày 15/01/2020), tạm ngừng kinh
doanh từ 01/4/2020
- Nội dung giám sát: Việc lập danh sách các hộ kinh doanh đề nghị hỗ trợ do
UBND phường lập được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp phường theo quy
định và giám sát việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng.
- Hồ sơ giám sát gồm: Danh sách các hộ kinh doanh đề nghị hỗ trợ do UBND
phường lập; đơn đề nghị hỗ trợ của hộ kinh doanh theo mẫu; bản sao đăng ký kinh
doanh (nếu có).
- Trách nhiệm giám sát: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội phường phối hợp công chức phụ trách lĩnh vực Lao động, Thương binh và
Xã hội giám sát.
3. Giám sát việc hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động,
hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp
- Nội dung giám sát: Giám sát việc lập danh sách người lao động bị chấm dứt
hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc và đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
trước thời điểm 01/4/2020; danh sách người lao động chấm dứt hợp đồng lao động,
hợp đồng làm việc trong khoảng thời gian từ 01/4/2020 đến ngày 15/6/2020 nhưng
không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, không có thu nhập hoặc thu nhập
thấp hơn mức chuẩn cận nghèo theo quy định do UBND phường lập và giám sát
chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng.
- Hồ sơ giám sát gồm: Bản tổng hợp danh sách do UBND phường lập đối với
người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trước ngày
01/4/2020; đơn đề nghị của người lao động theo mẫu.
- Trách nhiệm giám sát: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội phường phối hợp công chức phụ trách lĩnh vực Lao động, Thương binh và
Xã hội giám sát.
4. Giám sát việc hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao
động bị mất việc làm
- Nội dung giám sát: Giám sát việc rà soát, lập danh sách người lao động bị
mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ được niêm yết công khai tại các Nhà văn
hóa khu phố và trụ sở UBND phường theo quy định pháp luật về thực hiện dân chủ
ở xã, phường, thị trấn và giám sát việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng.
- Hồ sơ giám sát gồm: Đơn đề nghị trợ cấp (theo mẫu) của người lao động;
danh sách người lao động bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ do Trưởng
khu phố lập, có xác nhận của UBND phường; giấy chứng nhận tạm vắng do công an
xã, phường, thị trấn nơi cá nhân tạm trú cấp (trong trường hợp là người địa phương đi
làm việc ở các địa phương khác).
- Trách nhiệm giám sát: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội phường phối hợp công chức phụ trách lĩnh vực Lao động, Thương binh và
Xã hội giám sát.
5. Giám sát việc hỗ trợ người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp
ưu đãi hằng tháng (bao gồm cả thân nhân người có công đang hưởng trợ cấp
ưu đãi hàng tháng, thương binh đang hưởng chế độ mất sức lao động hàng
tháng) trong danh sách hưởng trợ cấp tháng 4 năm 2020 (gọi tắt là người có
công và gia đình chính sách)
- Nội dung giám sát: Giám sát việc lập danh sách người có công và gia đình
chính sách đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng và việc chi trả kinh phí hỗ trợ
cho đối tượng.
- Hồ sơ giám sát gồm: Danh sách người có công và gia đình chính sách do
Phòng Lao động,Thương binh & Xã hội thành phố lập.
- Trách nhiệm giám sát: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội thành phố giám sát.
6. Đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo quốc
gia quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg, ngày 19/11/2015 của Thủ
tướng Chính phủ; đối với các địa phương có ban hành chuẩn nghèo riêng, hộ
nghèo, hộ cận nghèo được xác định theo chuẩn nghèo của địa phương
- Nội dung giám sát: Giám sát việc rà soát và lập danh sách hộ nghèo, hộ cận
nghèo đến ngày 31/12/2019 được niêm yết công khai tại các Nhà văn hóa khu phố
và trụ sở UBND phường theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở xã,
phường, thị trấn và giám sát việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng.
- Hồ sơ giám sát gồm: Danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo đến ngày
31/12/2020 đã được cấp có thẩm quyền quyết định công nhận do UBND phường
lập.
- Trách nhiệm giám sát: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội phường phối hợp công chức phụ trách lĩnh vực Lao động, Thương binh và
Xã hội giám sát.
7. Giám sát việc hỗ trợ đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội
hàng tháng theo quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013
của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã
hội có quyết định hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, trong danh sách hưởng trợ
cấp xã hội tháng 4 năm 2020
- Nội dung giám sát: Giám sát việc rà soát và lập danh sách đối tượng Bảo trợ
xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Nghị định 136/2013/NĐ-CP
và việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho đối tượng.
- Hồ sơ giám sát gồm: Danh sách đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng
tháng đang sinh sống tại địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường lập và
được niêm yết tại trụ sở UBND phường theo quy định.
- Trách nhiệm giám sát: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị -
xã hội thành phố phối hợp Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội giám sát.
III. THỜI ĐIỂM, THỜI GIAN GIÁM SÁT
1. Giám sát tại thời điểm: Lập danh sách các đối tượng được hưởng chính
sách, thời điểm các cơ quan liên quan tổ chức chi trả kinh phí hỗ trợ và giám sát
sau khi hoàn tất việc chi trả kinh phí để nắm bắt tâm tư, dư luận của nhân dân về
chính sách hỗ trợ.
2. Thời gian giám sát: Giám sát các nội dung (việc lập danh sách, niêm yết
danh sách, chi trả hỗ trợ) trong suốt thời gian theo quy định tại Quyết định số
15/2020/QĐ-TTg ngày 24/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Kiểm tra của Mặt
trận thành phố đối với công tác giám sát của Mặt trận cấp dưới không quá 02 ngày,
không làm ảnh hưởng đến thời gian phê duyệt theo quy định của Thủ tướng Chính
phủ.
IV. PHƯƠNG THỨC GIÁM SÁT
1. Giám sát của người dân ở khu dân cư trong việc rà soát, lập danh sách và
niêm yết danh sách các đối tượng được hỗ trợ theo Nghị quyết 42-NQ/CP ngày
09/4/2020 của Chính phủ tại Nhà văn hóa khu phố, trụ sở UBND phường theo quy
định. Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư phản ánh ngay những vướng mắc,
bất cập (nếu có) với Chủ tịch UBND và Chủ tịch UBMT phường.
2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường chọn các nội dung và quyết
định thành lập đoàn giám sát theo các nhóm đối tượng được hỗ trợ tại phần II.
- Thành phần đoàn giám sát gồm: MTTQ Việt Nam, lãnh đạo các tổ chức
chính trị - xã hội phường. Mời công chức phụ trách lĩnh vực Lao động, Thương
binh và Xã hội cùng cấp tham gia.
- Số lượng thành viên Đoàn giám sát: Không quá 7 người.
- Trưởng đoàn giám sát là Lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.
- Sau giám sát, trong vòng 03 ngày làm việc, đại diện đoàn giám sát cấp
phường có báo cáo kết quả giám sát gửi cấp ủy, chính quyền cùng cấp và MTTQ
thành phố. Trong trường hợp không thành lập đoàn giám sát, Mặt trận Tổ quốc và
các tổ chức thành viên của Mặt trận phường có trách nhiệm nắm bắt việc lập danh
sách và chi trả kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng, đồng thời Ủy ban MTTQ Việt
Nam báo cáo bằng văn bản cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp và Mặt trận thành
phố về kết quả giám sát việc thực hiện hỗ trợ cho các đối tượng.
3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tổ chức kiểm tra, đánh giá
hiệu quả giám sát cấp phường.
- Thành phần tham gia đoàn kiểm tra: Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam thành phố, đại diện lãnh đạo một số tổ chức chính trị - xã hội thành
phố. Mời đại diện Thường trực HĐND thành phố, Ban Dân vận Thành ủy, Phòng
Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố.
- Số lượng: Không quá 10 người.
- Nội dung kiểm tra:
+ Kế hoạch thực hiện giám sát.
+ Phân công nhiệm vụ giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên.
+ Nội dung và kết quả giám sát cụ thể.
+ Thuận lợi và khó khăn trong tổ chức giám sát; những kiến nghị và đề xuất
(nếu có).
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
1. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam phường xây dựng kế hoạch và
dự trù kinh phí báo cáo Thường trực Đảng ủy, thống nhất với UBND cùng cấp
đảm bảo kinh phí thực hiện nhiệm vụ này; để kịp thời triển khai nhiệm vụ, đề nghị
chủ động kinh phí giám sát trong dự toán kinh phí được giao.
2. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội thành phố hướng dẫn hệ thống tổ
chức của mình chủ động kinh phí giám sát theo nhiệm vụ được phân công.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố
- Phối hợp, hướng dẫn Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã
hội cấp phường triển khai các nội dung giám sát tại Mục II Hướng dẫn này.
- Xây dựng kế hoạch, báo cáo Thường trực Thành ủy, phối hợp giám sát và
tổ chức kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 42-NQ/CP tại các phường.
2. Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN các phường
- Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội để thống nhất phân công
nội dung giám sát theo mục II phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức.
- Phát huy trách nhiệm của Ban công tác Mặt trận khu dân cư, phối hợp chặt
chẽ với Trưởng khu phố trong công tác quản lý địa bàn và vận động nhân dân tham
gia giám sát tại địa bàn.
- Kết thúc đợt giám sát hỗ trợ theo Quyết định của Thủ tướng, Ban Thường
trực Ủy ban MTTQ Việt Nam các phường báo cáo kết quả về Ban Thường trực
UBMT thành phố (qua Ban Phong trào, Ban Dân chủ - Pháp luật, đồng thời gửi
bản điện tử qua gmail: ubmtdh@gmail.com) chậm nhất 05 ngày sau khi kết thúc
hỗ trợ theo Nghị quyết 42-NQ/CP của Chính phủ.
3. Đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội thành phố có văn bản hướng dẫn các
cấp trong hệ thống phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc cùng cấp để triển khai
nhiệm vụ.
4. Đề nghị Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ đạo công chức phụ
trách lĩnh vực Lao động, Thương binh và Xã hội các phường phối hợp, cung cấp
thông tin kịp thời về việc triển khai chính sách hỗ trợ để Mặt trận Tổ quốc và các
tổ chức thành viên cùng cấp thực hiện nhiệm vụ giám sát.
Nơi nhận:
- BTT UBMT tỉnh (B/c);
- Thường trực Thành ủy (B/c);               TM. BAN THƯỜNG TRỰC
- TT HĐND, UBND TP (P/h);                            CHỦ TỊCH
- Ban Dận vận Thành ủy (P/h);
- Phòng LĐ-TB&XH TP (P/h);                       (Đã ký)
- Các đoàn thể CT-XH TP (P/h);
- Đảng ủy, UBND 9 phường (P/h);                 Phạm Thị Thu Hà
- UBMT 9 phường (T/h);
- Lưu VP.





 

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Hình ảnh hoạt động
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây